Mặt bằng cho thuê vẫn… thừa mứa

– Nhu cầu về văn phòng cho thuê đã tăng đáng kể và sẽ tiếp tục tăng cao, tuy nhiên nguồn cung còn tăng dữ dội hơn, khiến thị trường này vẫn lâm vào tình trạng cung át cầu.
Theo thống kê của Công ty Tư vấn và Quản lý bất động sản (BĐS) CB Richard Ellis Vietnam (CBRE), cho đến thời điểm này, tại TP.HCM, diện tích văn phòng còn trống của năm 2009 còn hơn 100.000 m2 và vẫn đang tìm khách thuê.
Ngoài ra, trong năm nay, thị trường sẽ có thêm nhiều nguồn cung mới được đưa vào sử dụng, khoảng hơn 350.000 m2. Diện tích này bằng số lượng của cả năm 2008 và 2009 công lại.
Mặt bằng cho thuê vẫn… thừa mứa
Thị trường văn phòng cho thuê đang lâm vào tình trạng cung vượt cầu. (Ảnh: C.H)
Diện tích thực thuê trong năm 2010 dự kiến sẽ gấp đôi năm 2009, khoảng 300.000 m2. Theo nhận định của ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc Điều hành CBRE, nhu cầu này chủ yếu đến từ những công ty đa quốc gia mở rộng hoạt động tại Viêt Nam, bởi kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, do nguồn cung vẫn tăng cao trong năm nay, công với nguồn cung hiện hữu từ năm 2009 khiến sự quyết định về giá cả nằm trong tay khách thuê. Chính điều này đã kéo giá văn phòng cho thuê giảm nhiều so với năm trước, song dự báo của ông Marc Townsend cho thấy, các chủ đầu tư vẫn chưa hết khó khăn trong thời gian tới khi nguồn cung tiếp tục tăng.
Thực tế trên sẽ tiếp tục tạo sức ép lên giá thuê, khiến chủ các cao ốc phải cạnh tranh hơn nhằm giữ chân khách hàng của mình. Đây là cơ hội cho các công ty có nhu cầu mở rộng diện tích văn phòng của mình.
Ngoài việc nguồn cung tăng cao so với cầu, sự tác động của khủng hoảng kinh tế trong thời gian qua đã đẩy thị trường văn phòng cho thuê vào khó khăn, bởi hầu hết các doanh nghiệp đều thu hẹp diện tích văn phòng nhằm cắt giảm chi phí.
Theo công bố của CBRE, giá thuê văn phòng hạng A hiện giảm 50% so với giai đoạn đỉnh điểm năm 2008, trong khi đó nhu cầu thuê mới lại ít đi. Trong năm 2009, khoảng 238.000 m2 sàn văn phòng được chào thuê, song chỉ có khoảng 154.000 m2 được thuê. Tuy nhiên, nhu cầu tìm mặt bằng văn phòng tăng đáng kể vào thời điểm cuối năm vừa qua.
Các chủ cao ốc đang hy vọng một năm 2010 khởi sắc. (Ảnh: C.H)
Giá chào thuê trung bình ở thời điểm gần đây dao động khoảng 63 USD/m2 với văn phòng hạng A, 30 USD cho hạng B và 22 USD cho hạng C. Tuy nhiên, mức giá thực thuê trên thị trường thường thấp hơn giá chào thuê tùy vào vị trí và khả năng thương lượng của từng khách hàng, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Theo nhận định của ông Marc Townsend giá văn phòng cho thuê hiện đang chạm đáy và người thuê thường không thay đổi địa điểm để tận dụng điều này. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tận dụng cơ hội này để kiếm thêm thu nhập bằng cách thuê nguyên tòa văn phòng để sử dụng và cho thuê phần còn lại. Thậm chí, doanh nghiệp còn mua lại tòa nhà văn phòng đã hoàn tất, vì chi phí thấp hơn so với đầu tư xây dựng.
Mặt bằng bán lẻ hút hàng
Ở lĩnh vực bán lẻ, theo CBRE, nguồn cung diện tích cho thuê cũng sẽ tăng thêm hơn 130.000 m2 trong năm nay. Trong đó, nguồn cung diện tích mặt bằng bán lẻ ở khu vực trung tâm tăng gấp ba lần năm ngoái, với khoảng 65.000 m2 và khu vực ngoại thành tăng 50% với khoảng 68.000 m2.
Với diện tích này, nguồn cung mặt bằng bán lẻ dự báo sẽ tăng gấp 3 lần trong năm 2010 so với năm ngoái. Tuy nhiên, diện tích này cũng chưa thể đáp ứng nhu cầu, khiến mức giá trần sẽ tiếp tục được đẩy lên cao.
Hiện, kỷ lục về giá thuê cao nhất thuộc về Trung tâm thương mại Vincom Sài Gòn với 200 USD/m2 cho vị trí tốt nhất. Ngoài ra, Tòa nhà cao ốc Sài gòn M&C được CBRE dự báo giá cho thuê cũng sẽ rất cao, có thể còn vượt mức 200 USD mỗi m2.
Mặt bằng bán lẻ lại khan hàng khiến giá có xu hướng leo thang. (Ảnh: C.H)
“Nhiều người dự đoán sẽ có làn sóng các nhà bán lẻ quốc tế tràn vào Việt Nam trong năm qua, nhưng điều đó đã không xảy ra. Một số tập đoàn bán lẻ quốc tế như Walmart, Tesco… vẫn còn đang đứng ngoài quan sát. Tuy nhiên, điều này lại khiến các tập đoàn bán lẻ trong nước tranh thủ thời cơ mở rộng thị trường.”, ông Marc Townsend nhận định.
Nhiều chuyên gia nhận định, ngành bán lẻ Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn trưởng thành. Mặc dù vẫn còn một số khó khăn cho các nhà bán lẻ gia nhập thị trường, nhưng trên căn bản Việt Nam vẫn hấp dẫn một số nhà bán lẻ quốc tế và khuyến khích các nhà bán lẻ trong nước phát triển.
Vì thế, diện tích bán lẻ khu tầng hầm đang có xu hướng phát triển do diện tích dành cho bán lẻ trên các trục đường đang trở nên hạn chế, trong đó có thể kể đến Khu thương mại Vincom, bãi xe ngầm Công viên Lê Văn Tám sẽ được khởi công trong năm nay. Ngoài ra, các khu thương mại theo mô hình chợ cũng đang mở rộng ở khu vực ngoại thành và dự báo sẽ nở rộ trong thời gian tới.
Giá thuê của thị trường mặt bằng bán lẻ theo thống kê của CBRE hiện cao hơn mức trung bình trên thị trường.
“Hiện tại, dự án BĐS tại Hà Nội ít hơn TP.HCM rất nhiều. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài hiện rất quan tâm đến Hà Nội và dự báo thị trường sẽ đón nhận những làn sóng đầu tư ồ ạt như cách đây 5 – 6 năm tại TP.HCM. Do đó, thị trường này chắc chắn sẽ hấp dẫn trong thời gian tới. 
Nguyên nhân là do xu hướng đầu tư phát triển dự án (cả vốn trong nước và nước ngoài) dịch chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội trong năm 2009, và sẽ tiếp tục trong năm 2010. Bên cạnh đó, người Hà Nội chuộng đầu tư vào nhà đất hơn vào chứng khoán. 
Trong khi đó, thị trường căn hộ dịch vụ cho thuê, khách sạn và văn phòng có nhu cầu khá ổn định từ các cơ quan ngoại giao, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức phát triển (ADB, Ngân hàng thế giới). Đặc biệt, Chính phủ đang thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm chào mừng 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.”
 
(Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE)
  • Ca Hảo
Theo vietnamnet.vn

THÊM BÌNH LUẬN